Tắc ruột

Tắc ruột

Tắc ruột là một mối lo ngại lớn nhưng rất nhiều người do không nhận thức được tình trạng thức ăn bị nghẽn lại nên tiếp tục ăn và dẫn đến nhiều mối hiểm họa khôn lường.

1. Bệnh tắc ruột là gì

2. Triệu chứng của bệnh tắc ruột

3. Nguyên nhân gây ra bệnh tắc ruột 

4. Tác hại của bệnh tắc ruột

5. Điều trị bệnh tắc ruột

6. Bác sĩ điều trị

1. Bệnh tắc ruột là gì?

Tắc ruột (tên tiếng Anh là Intestinal Obstruction) là tình trạng tắc nghẽn ngăn không cho thức ăn hay chất lỏng đi qua ruột non hoặc ruột già (đại tràng). Các nguyên nhân gây tắc ruột có thể bao gồm các dải sợi của mô ở vùng bụng được hình thành sau khi phẫu thuật, ruột bị viêm (bệnh Crohn), các túi nhiễm trùng trong ruột (viêm túi thừa), thoát vị và ung thư đại tràng.

Nếu không điều trị, các phần bị tắc của ruột có thể bị hoại tử, và dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu điều trị kịp thời, tắc ruột thường có thể được chữa thành công.

2. Các dấu hiệu, biểu hiện và triệu chứng của bệnh tắc ruột

Các dấu hiệu và triệu chứng tắc ruột bao gồm:

  • Đau bụng từng cơn
  • Mất khẩu vị
  • Táo bón nặng
  • Nôn ói
  • Mất khả năng có nhu động ruột hoặc xì hơi
  • Sưng bụng

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Do các biến chứng nghiêm trọng có thể có do tắc nghẽn ruột, hãy đi khám ngay nếu bạn bị đau bụng nghiêm trọng hoặc có các triệu chứng khác của tắc ruột.

3. Nguyên nhân gây ra bệnh tắc ruột 

Các nguyên nhân gây tắc ruột ở người lớn thường gặp nhất là:

  • Sự dính ruột - các dải mô sợi trong khoang bụng có thể hình thành sau khi phẫu thuật bụng hoặc chậu hông
  • Ung thư đại tràng

Ở trẻ em, nguyên nhân thường gặp nhất gây tắc ruột là lồng ruột.

Các nguyên nhân khác gây tắc ruột bao gồm:

  • Thoát vị - một phần ruột lòi vào trong phần khác của cơ thể
  • Bệnh viêm ruột như bệnh Crohn
  • Viêm túi thừa - tình trạng các túi nhỏ nhô ra (túi thừa) trong đường tiêu hóa bị viêm hoặc nhiễm bệnh
  • Xoắn đại tràng (xoắn ruột)
  • Phân bị nêm chặt

Những nguyên nhân gây ra tắc ruột

Giả tắc nghẽn

Tắc ruột giả (liệt ruột) có thể gây ra các dấu hiệu và triệu chứng giống tắc ruột, nhưng nó không phải là tắc nghẽn. Trong trường hợp liệt ruột, các vấn đề về cơ và thần kinh phá vỡ các cơn co cơ nhịp nhàng bình thường của ruột, và sẽ làm chậm hoặc dừng chuyển động của thực phẩm và dịch qua hệ thống tiêu hóa.

Liệt  ruột có thể ảnh hưởng đến bất kỳ phần nào của ruột. Nguyên nhân có thể bao gồm:

  • Phẫu thuật bụng hoặc chậu
  • Nhiễm trùng
  • Một số loại thuốc có ảnh hưởng đến cơ và thần kinh, bao gồm thuốc chống trầm cảm ba vòng và thuốc giảm đau nhóm opioid, chẳng hạn như các loại thuốc có chứa hydrocodone và oxycodone.
  • Các rối loạn cơ và thần kinh, như bệnh Parkinson.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tắc ruột

Các bệnh và điều kiện có thể làm tăng nguy cơ tắc ruột bao gồm:

  • Phẫu thuật vùng bụng hoặc chậu hông, thường gây ra dính ruột - một tắc nghẽn đường ruột thông thường
  • Bệnh Crohn, có thể làm cho thành ruột dày lên, thu hẹp lòng ruột
  • Ung thư ở bụng, đặc biệt là nếu bạn đã phẫu thuật cắt bỏ khối u bụng hoặc xạ trị

4. Tác hại và biến chứng của bệnh tắc ruột

Tắc ruột nếu không được điều trị có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, đe dọa đến mạng sống của người bệnh. Các biến chứng có thể bao gồm:

- Sự chết các mô: Tắc ruột có thể cắt đứt nguồn cung cấp máu cho một phần của ruột. Thiếu máu làm cho thành ruột hoại tử. Hoại tử mô có thể dẫn đến rách (thủng) trong thành ruột, và có thể dẫn đến nhiễm trùng.

- Nhiễm trùng: Viêm phúc mạc là thuật ngữ y khoa cho nhiễm trùng trong khoang bụng. Đó là một tình trạng nguy hiểm đến tính mạng đòi hỏi sự can thiệp y khoa và thường là phẫu thuật.

Bác sĩ tham vấn thông tin:

✍ Các bác sĩ Tiêu Hoá Hello Doctor

☎ Gọi Bác sĩ - 19001246

5. Các phương pháp điều trị bệnh tắc ruột

Chẩn đoán

Các xét nghiệm và thủ tục được sử dụng để chẩn đoán tắc ruột bao gồm:

- Thăm khám: Bác sĩ sẽ hỏi về bệnh sử và triệu chứng của bạn, đồng thời thăm khám để đánh giá tình trạng bệnh. Bác sĩ có thể nghi ngờ bị tắc ruột nếu bụng bạn bị sưng hoặc cứng hoặc có khối u ở bụng.

- Xquang: Để xác nhận chẩn đoán tắc ruột, bác sĩ có thể đề nghị chụp X-quang bụng. Tuy nhiên, một số tắc ruột không thể nhìn thấy bằng cách sử dụng tia X tiêu chuẩn.

- Chụp cắt lớp vi tính (CT): Chụp CT kết hợp một loạt các hình ảnh X-ray lấy từ các góc độ khác nhau để tạo ra hình ảnh cắt ngang. Những hình ảnh này chi tiết hơn một tia X tiêu chuẩn và có thể cho thấy bị tắc ruột.

- Siêu âm. Khi tắc ruột xảy ra ở trẻ em, siêu âm thường là thủ tục hình ảnh được sử dụng. Ở những trẻ có lồng ruột, siêu âm thường sẽ cho thấy hình ảnh "mắt bò", đại diện cho ruột bị lồng trong ruột.

- Thụt tháo hoặc Xquang bari: Thụt khí hay bari sẽ tăng cường hình ảnh của đại tràng, và được thực hiện khi nghi ngờ có tắc nghẽn. Trong thủ tục, bác sĩ sẽ thụt khí hoặc bari lỏng vào đại tràng qua trực tràng. Đối với trẻ sơ sinh, thụt khí hay bơm bari không chỉ giúp chẩn đoán mà còn có thể điều trị dứt tắc ruột.

Điều trị

Điều trị tắc ruột phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh. Đầu tiên các bác sĩ sẽ ổn định tình trạng bệnh để bạn có thể tiến hành điều trị. Quá trình này có thể bao gồm:

  • Truyền dịch
  • Đặt một ống thông mũi-dạ dày qua mũi và vào dạ dày để hút không khí và chất lỏng để giảm sưng bụng
  • Đặt ống thông (catheter) vào bàng quang để thoát nước tiểu và lấy mẫu xét nghiệm

Điều trị lồng ruột

Thụt khí hay bơm bari được sử dụng như là một thủ tục chẩn đoán và điều trị cho trẻ em bị lồng ruột. Nếu thụt khí hay bari có hiệu quả, việc điều trị thêm thường không cần thiết.

Phương pháp điều trị tắc ruột bằng cách bơm khí Bari

Điều trị tắc nghẽn một phần

Nếu bạn bị tắc nghẽn trong đó một phần thực phẩm và chất lỏng vẫn đi qua được (tắc nghẽn một phần), bạn không cần phải điều trị thêm sau khi đã ổn định tình trạng bệnh. Bác sĩ có thể khuyến cáo một chế độ ăn ít chất xơ, điều đó sẽ giúp cho ruột bị tắc nghẽn một phần hoạt động dễ hơn. Nếu tắc nghẽn không hết, bạn có thể cần phải phẫu thuật để làm giảm tắc nghẽn.

Điều trị tắc nghẽn hoàn toàn

Nếu không có gì có thể đi qua ruột của bạn, bạn sẽ cần phẫu thuật để giảm tắc nghẽn. Thủ tục nào phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra tắc nghẽn và phần nào của ruột bị ảnh hưởng. Phẫu thuật thường bao gồm việc loại bỏ các tắc nghẽn, cũng như bất kỳ phần ruột nào đã hoại tử hay bị tổn thương.

Ngoài ra, bác sĩ có thể đề nghị điều trị tắc nghẽn bằng cách đặt stent kim loại tự mở rộng. Stent được chèn vào đại tràng thông qua nội soi đi qua miệng hoặc ruột già. Nó mở thông đại tràng để loại bỏ các tắc nghẽn.

Stent thường được sử dụng để điều trị những người bị ung thư đại tràng hoặc để giảm tắc nghẽn tạm thời ở những người mà phẫu thuật cấp cứu là quá nguy hiểm. Bạn vẫn có thể cần phải phẫu thuật một khi tình trạng bệnh đã ổn định.

Điều trị các trường hợp giả tắc nghẽn

Nếu bác sĩ xác định rằng các dấu hiệu và triệu chứng là do giả tắc nghẽn (liệt ruột), bác sĩ có thể theo dõi tình trạng bệnh trong một hoặc hai ngày trong bệnh viện và điều trị theo nguyên nhân. Tắc ruột liệt có thể tự hồi phục. Trong khi đó, bạn có thể sẽ được cho ăn thông qua ống mũi hoặc truyền dịch để ngăn ngừa suy dinh dưỡng.

Nếu chứng liệt ruột không tự hồi phục, bác sĩ có thể kê toa các thuốc gây co thắt cơ, để giúp vận chuyển thực phẩm và dịch qua ruột. Nếu chứng liệt ruột là do bệnh hoặc thuốc, bác sĩ sẽ điều trị căn bệnh hoặc ngừng dùng thuốc. Hiếm khi cần phải phẫu thuật để loại bỏ một phần của ruột.

Trong trường hợp phì đại đại tràng, một phương pháp điều trị gọi là giảm áp có thể đem lại hiệu quả. Giảm áp có thể được thực hiện thông qua nội soi đại tràng, một thủ thuật trong đó một ống nhỏ được đưa vào hậu môn và dẫn vào đại tràng. Giảm áp cũng có thể được thực hiện thông qua phẫu thuật.

Ngay khi thấy có những cơn đau bụng dữ dội, bạn nên đi khám bác sĩ ngay để được chẩn đoán và điều trị bệnh.

Bác sĩ khám, điều trị

Đào Anh Tuấn

Bác sĩ Đào Anh Tuấn

Khoa: Nội tiết, Tiêu hóa - Gan mật

Nơi làm việc: Bệnh viện Đaị học Quốc gia Hà nội

Vị trí: Bác sĩ chuyên khoa

Văn Nhật Minh

Bác sĩ Văn Nhật Minh

Khoa: Tiêu hóa - Gan mật, Nội tổng quát

Nơi làm việc: Bệnh viện Trưng Vương

Kinh nghiệm: 11 năm

Vị trí: Bác sĩ chuyên khoa

Đánh giá, chia sẻ Gửi đánh giá

    Nguyễn văn trung,(23/05/2020)
    Tôi hai ngày nay bị đau quận bụng, đi ngoài rất ít . Khuôn phân chỉ như đầu đũa to,
    Bụng đang to dần lên,
    Bác dĩ cho tôi lới tư vấn.
    Linh (02/03/2020)
    Xin chào! Tôi có 1 thắc mắc mong được giải đáp. Tôi mới sinh em bé được hơn 4 tháng, gần đây tôi thấy đau âm ỉ ở vùng bụng bên trái. Tôi muốn biết vấn đề tôi đang mắc phải là gì?l
    Trâm (02/03/2020)
    Mình nghĩ chị nên đi khám để bác sĩ làm xét nghiệm, siêu âm...mới biết chính xác được.

    Bình luận, đặt câu hỏi

    Các thông tin cá nhân của bạn sẽ không bị công khai

    Nội dung

    Đọc thêm

    Bài viết đang được cập nhật...