Nhồi máu mạc treo ruột

Nhồi máu mạc treo ruột

Bệnh nhồi máu mạc treo thuộc nhóm bệnh có tính hệ thống gọi là bệnh mạch máu ngoại biên hay bệnh động mạch ngoại biên (PAD). Đau bụng là triệu chứng điển hình của bệnh nhồi máu mạc treo.

1. Bệnh nhồi máu mạc treo ruột là gì

2. Triệu chứng của bệnh nhồi máu mạc treo ruột

3. Nguyên nhân của bệnh nhồi máu mạc treo ruột

4. Tác hại của bệnh nhồi máu mạc treo ruột

5. Điều trị bệnh nhồi máu mạc treo ruột

6. Phòng chống bệnh nhồi máu mạc treo ruột

7. Bác sĩ điều trị

8. Chia sẻ từ bệnh nhân

1. Bệnh nhồi máu mạc treo ruột là gì?

Nhồi máu mạc treo ruột là tình trạng máu kém lưu thông trong các mạch máu cung cấp cho các cơ quan thuộc mạc treo ruột như dạ dày, gan, ruột già và ruột non. Với sự lưu thông không tốt này, cục máu đông có thể hình thành và gây hại cho chức năng của các cơ quan này.

Nhồi máu mạc treo ruột có thể cấp tính hay mạn tính, xảy ra đột ngột hoặc âm thầm. Bệnh nhồi máu mạc treo cần phải được điều trị. 

2. Các dấu hiệu, biểu hiện và triệu chứng của bệnh nhồi máu mạc treo ruột

- Đau bụng dữ dội đột ngột: Nhồi máu mạc treo ruột CẤP TÍNH có thể gây đau bụng đột ngột, dữ dội, đôi khi đi kèm buồn nôn hoặc nôn.

- Đau bụng dữ dội sau khi ăn: Nhồi máu mạc treo ruột MẠN TÍNH thường gây đau bụng dữ dội sau khi ăn 15-60 phút. Cơn đau có thể kéo dài đến 2 giờ và có xu hướng tái diễn sau mỗi bữa ăn. Bạn cũng có thể bị buồn nôn, nôn, tiêu chảy hoặc đầy hơi.

- Sụt cân: Nhồi máu mạc treo ruột mạn tính đôi khi khiến bạn sụt cân bởi vì bạn thường ăn ít hơn bình thường để tránh đau bụng sau khi ăn.

Khi nào cần đến gặp bác sĩ?

Đối với tính trạng đau bụng dữ dội, cần đưa bệnh nhân đi cấp cứu ngay. Không nên cố gắng tự chữa trị tại nhà vì có thể khiến cho bệnh nhân gặp nguy hiểm. 

Đối với bệnh nhồi máu mạch treo ruột mạn tính, cần điều trị với bác sĩ để tránh những biến chứng nguy hiểm.

Bác sĩ tham vấn thông tin:

✍ Các bác sĩ Mạch Máu Hello Doctor

☎ Gọi Bác sĩ

유 Chat Bác sĩ trên Facebook

3. Nguyên nhân của bệnh nhồi máu mạc treo ruột

Nhồi máu mạc treo CẤP TÍNH thường gây ra bởi hình thành cục máu đông di chuyển đến một trong những động mạch mạc treo và làm tắc nghẽn dòng máu đột ngột. Các cục máu đông này thường xuất phát từ tim và hay gặp ở những bệnh nhân có nhịp tim bất thường hoặc mắc bệnh tim.

Nhồi máu mạc treo MẠN TÍNH thường do xơ vữa động mạch (xơ cứng động mạch) làm giảm lượng máu chảy qua các động mạch. Động mạch bị tắc nghẽn bởi mảng xơ vữa, các mảng xơ vữa này được hình thành bởi chất béo và các chất khác lưu hành trong máu của bạn. Khi nhiều mảng xơ vữa tích tụ dọc theo thành mạch máu, động mạch có thể bị thu hẹp và cứng lại. Cuối cùng, mảng xơ vữa tích tụ đủ để làm giảm lưu lượng máu hoặc thậm chí làm tắc nghẽn hoàn toàn các động mạch.

4. Tác hại của bệnh nhồi máu mạc treo ruột

Nhồi máu mạc treo ruột là một căn bệnh nguy hiểm. Bệnh nếu không được chữa trị kịp thời có thể khiến tắc nghẽn hoàn toàn các động mạch và người bệnh có khả năng tử vong.

5. Các phương pháp điều trị bệnh nhồi máu mạc treo ruột

Chẩn đoán

Gặp bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật mạch máu

Nếu bạn có các triệu chứng nêu trên, hãy khám bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật mạch máu. Bạn sẽ được hỏi về tiền căn hút thuốc, tăng huyết áp, bệnh tiểu đường, bệnh tim và thông tin chi tiết về việc những triệu chứng này xảy ra khi nào, bao lâu thì xuất hiện và nó kéo dài bao lâu. Bác sĩ phẫu thuật mạch máu cũng sẽ khám thực thể cho bạn.

Các xét nghiệm có thể được đề nghị

- Siêu âm Doppler, CT mạch máu (CTA) hoặc chụp mạch máu.

- Chụp cắt lớp vi tính (CT) là xét nghiệm chọn lọc: CT mạch máu tạo ra các hình ảnh ba chiều chi tiết từ các tia X chụp cắt ngang của cơ thể. Những hình ảnh này có thể xác định được tình trạng bệnh lý của động mạch hoặc của các cơ quan trong ổ bụng.

- Chụp mạch máu (còn được gọi là chụp động mạch) là một xét nghiệm xâm lấn nhưng có thể được đề nghị trong trường hợp cần phải chẩn đoán nhanh. Xét nghiệm này sử dụng tia X để xem thấy các mạch máu của bạn.

Điều trị

Mục tiêu điều trị của bệnh nhồi máu mạc treo ruột là làm thông động mạch để cung cấp đủ máu tới ruột của bạn, giúp ruột hoạt động bình thường. Điều này phải được thực hiện trước khi tổn thương vĩnh viễn xảy ra. Tùy tình trạng cụ thể của bạn mà bác sỹ sẽ xác định nên điều trị cấp cứu hay điều trị tự chọn (lên chương trình).

Trong trường hợp nhồi máu mạc treo ruột cấp tính

- Trường hợp đau nghiêm trọng có thể được cho thuốc giảm đau.

- Bác sĩ sẽ mổ cấp cứu vì tổn thương ruột nặng có thể xảy ra nhanh chóng.

- Nếu cục máu đông được tìm thấy sớm, bác sĩ có thể đề nghị liệu pháp tiêu sợi huyết. Bác sĩ sẽ tiêm thuốc làm tan cục máu đông vào mạch máu, và thường được tiêm cùng lúc với chụp mạch máu chẩn đoán.

- Nếu có dấu hiệu tổn thương đường ruột hoặc có quá ít thời gian để thuốc làm tan huyết khối có tác dụng, bác sĩ có thể lựa chọn phương pháp phẫu thuật để loại bỏ cục máu đông và phục hồi lưu lượng máu đến các động mạch trong ruột.

- Một số bệnh nhân cần phẫu thuật để loại bỏ các phần bị hư hại của ruột. Điều này thường được thực hiện với sự kết hợp giữa bác sĩ phẫu thuật mạch máu và các chuyên gia phẫu thuật khác.

Trong trường hợp nhồi máu mạc treo ruột mạn tính

Can thiệp nội mạch xâm lấn tối thiểu đã trở thành phương pháp tiếp cận đầu tiên trong hầu hết các trường hợp. Việc nong động mạch bằng bóng và stent đôi khi được thực hiện đồng thời với chụp mạch máu chẩn đoán để tránh phải làm thủ thuật thứ hai và để bắt đầu điều trị càng sớm càng tốt. Một bóng nhỏ được chèn vào bên trong động mạch hẹp. Bác sĩ phẫu thuật mạch máu của bạn làm phồng và làm xẹp quả bóng để đẩy mảng bám vào thành mạch. Một khi động mạch mở rộng, bác sĩ phẫu thuật mạch máu của bạn sẽ chèn một ống stent – ống lưới kim loại nhỏ được thiết kế nhằm hỗ trợ thành động mạch giữ cho mạch máu mở ra.

Nếu bạn không thích hợp với phương pháp nong động mạch và đặt stent, bác sĩ sẽ cân nhắc đến phương pháp phẫu thuật bắc cầu động mạch. Bác sĩ phẫu thuật mạch máu sẽ tạo đường vòng quanh phần hẹp hoặc phần bị tắc của động mạch bị ảnh hưởng. Để tạo đường vòng, một trong các tĩnh mạch của bạn hoặc một ống tổng hợp được sử dụng như một mảnh ghép, được khâu ở trên và dưới vùng bị chặn để khôi phục lại lượng máu lưu thông đến ruột.

6. Cách phòng chống bệnh nhồi máu mạc treo ruột

Các biện pháp để phòng chống bệnh nhồi máu mạc treo ruột là:

  • Tuân thủ một chế độ ăn uống lành mạnh.
  • Tránh hút thuốc: Nếu bạn hút thuốc lá, hãy nhờ bác sĩ giúp bạn tìm một chương trình ngừng hút thuốc lá thích hợp cho bạn.
  • Luyện tập thể dục đều đặn.
  • Uống đủ nước
  • Kiểm soát tốt các bệnh mạn tính bao gồm đái tháo đường, tăng huyết áp, suy thận và bệnh tim.

Một lần nữa chúng tôi xin nhấn mạnh rằng, bệnh nhồi máu mạc treo ruột cần được chữa trị ngay khi phát hiện. Liên hệ đặt khám với Hello Doctor chúng tôi theo số điện thoại 1900 1246 để đặt khám với các bác sĩ.

Bác sĩ khám, điều trị

Nguyễn Hoàng Bình

Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Hoàng Bình

Khoa: Hô hấp, Mạch máu, Nội tiết, Ngoại lồng ngực

Nơi làm việc: Bệnh viện Chợ Rẫy

Kinh nghiệm: 32 năm

Vị trí: Trưởng khoa Ngoại Lồng Ngực - Mạch máu

Đánh giá, chia sẻ Gửi đánh giá

  • Nguyễn Đức Trọng

    Vừa qua mẹ tôi cũng mới đi cấp cứu vì bệnh nhồi máu mạc treo cấp tính. Thật sự là bệnh rất nguy hiểm

    06/12/2017
  • Lê Hoài Thương

    Nếu thấy có cơn đau bụng dữ dội thì tốt nhất là đi cấp cứu ngay, vì đây thường là triệu chứng của các bệnh cấp tính, như nhồi máu mạc treo ruột cấp tính.

    06/12/2017
Huỳnh Thùy Trang (03/04/2018)
Cách đây khoảng 10 tháng, mẹ mình cũng đi cấp cứu vì căn bệnh nguy hiểm này. Lúc đầu làm các xét nghiệm thông thường không tìm ra bệnh, đến khi chụp CT cắt lớp mới phát hiện. Thật sự bệnh này rất nguy hiểm không nên xem thường. May mắn sau khi nằm viện điều trị hơn 2 tuần mẹ mình khỏe mạnh và được xuất viện về. Mình cũng đã đưa mẹ đi tái khám được 1 lần và chuẩn bị đưa mẹ đi tái khám tiếp lần 2.
Thật sự mình rất hoang mang và lo lắng về căn bệnh này vì không biết nó sẽ quay lại lúc nào, mức độ tái phát có cao hay không, có cách nào để ngăn chặn bệnh này không,... Mình rất hi vọng căn bệnh quái ác này đừng quay lại với mẹ mình.
Hello Doctor (17/04/2018)
Chào bạn Thùy Trang, hiện tại thì không có cách nào để báo trước hay dự phòng bệnh. Tuy nhiên, bạn có thể xem lại mẹ bạn còn các yếu tố nguy cơ dễ gây đông máu, huyết khối không? Ví dụ các bệnh lý làm tăng đông máu, xơ vữa động mạch, sử dụng thuốc tránh thai lâu năm.

Bình luận, đặt câu hỏi

Các thông tin cá nhân của bạn sẽ không bị công khai

Nội dung

Đọc thêm

Bài viết đang được cập nhật...